Phân biệt cấu trúc (으)ㄹ래요 – (으)ㄹ까요

(으)ㄹ래요 -(으)ㄹ까요 là hai trong số các cấu trúc ngữ pháp sơ cấp. Vậy để phân biệt cấu trúc (으)ㄹ래요 – (으)ㄹ까요 có sự giống và khác nhau như thế nào? Nhiều người khi học tiếng Hàn vẫn thường gặp khó khăn khi sử dụng 2 cấu trúc này. Tuy nhiên 2 cấu trúc này lại sử dụng trong những trường hợp khác nhau, mang sắc thái nghĩa khác nhau. Mong rằng thông qua bài viết này bạn sẽ sử dụng 2 cấu trúc này đúng ngữ cảnh và chính xác hơn.

Điểm giống nhau:

-(으)ㄹ래요 -(으)ㄹ까요 đều gắn sau động từ để hỏi về ý kiến, mong muốn của đối phương về việc thực hiện một hành động nào đó.

Ví dụ:

1. 영화 볼까요? / 영화 볼래요? Đi xem phim nhé?

2. 식당에 갈까요? 식당에 갈래요? Đến quán ăn nhé?

Điểm khác nhau:

1. –(으)ㄹ까요 có thể gắn sau cả tính từ, 이다 hay 아니다 nhưng –(으)ㄹ래요 thì không thể.

Ví dụ:

이 음식이 맛있을래요? (X)

이 음식이 맛있을까요? (O)

Món ăn này có ngon không nhỉ?

그 사람이 학생일래요? (X)

그 사람이 학생일까요? (O)

Người đó là học sinh nhỉ?

2. Trong trường hợp hỏi để muốn có được sự cho phép của đối phương thì chỉ dùng -(으)ㄹ까요? Chủ ngữ thông thường là “제가” hoặc “내가” nhưng có thể bị lược bỏ, tương đương nghĩa tiếng Việt “Tôi làm cái gì nhé?”. Và câu trả lời thường dùng trong trường hợp này là V(으)세요/ V아/어 주세요(nếu đồng ý) hoặc V지마세요 (không đồng ý)

Ví dụ:

가: (제가) 창문을 닫을래요? (X)

=> (제가) 창문을 닫을까요? (O) Tôi đóng cửa sổ lại nhé?

나: 네, 닫으세요./ 닫아 주세요. Ừ, bạn đóng vào đi.

3. Trong trường hợp hỏi ý bâng quơ chưa chắc chắn về điều gì hoặc dự đoán một việc mà họ không biết chỉ dùng -(으)ㄹ까요? Trường hợp này có thể kết hợp cả động từ và tính từ, chủ ngữ là ngôi thứ 3 và câu trả lời thường dùng đuôi –(으)ㄹ 거예요 hoặc (으)ㄴ/는 것 같다 để đáp lại.

Ví dụ:

혼자서 얼마나 힘들었을래요? (X)

=> 혼자서 얼마나 힘들었을까요? (O)

Một mình vất vả lắm nhỉ?

가: 지금 버스를 타면 길이 막힐까요?

나: 퇴근 시간이니까 버스를 타면 말힐 거예요.

(가: Bây giờ nếu đi xe bus thì liệu có tắc đường không nhỉ?

나: Vì là thời gian tan tầm nên nếu cậu đi xe bus thì chắc sẽ tắc đấy.)

4. -(으)ㄹ래요 không nhất thiết phải dùng ở dạng câu hỏi, có thể dùng ở dạng câu trần thuật để biểu hiện ý chí, mong muốn mà người nói muốn biểu đạt, tương đương nghĩa tiếng Việt “tôi sẽ, tôi định/tính làm gì….”. Trong trường hợp này chỉ dùng với chủ ngữ ngôi thứ nhất.

Ví dụ:

제가 떡볶이 먹을래요. (O)

Tôi sẽ ăn bánh gạo cay.

마이 씨는 다음 주말에 기차편으로 고향에 내려갈래요. (X)

=> 마이 씨는 음 주말에 기차편으로 고향에 내려갈 거예요. ( O )

=> 저는 다음 주말에 기차편으로 고향에 내려갈래요. (O)

Tôi định cuối tuần sau về quê bằng tàu hỏa.

*Lưu ý: Trong trường hợp cùng diễn tả ý muốn của chủ thể hành động nhưng -(으)ㄹ래요 có sắc thái biểu đạt khác so với -고 싶다, tức -(으)ㄹ래요 thiên về ý muốn tức thời còn -고 싶다 lại nghiêng về ý muốn lâu dài hơn.

Ví dụ :

가: 오늘 저녁에 어디에 갈래요?

나: 학교 근처에 새로 생긴 커피숖에 갈래요. (O)

(가: Tối nay cậu muốn đi đâu?

나: Tớ muốn đến quán cà phê mới mở gần trường)

Ở trường hợp này nếu ta thay cụm “갈래요” bằng “가고 싶어요” nghe sẽ không tự nhiên, bởi ở thời điểm người hỏi đưa ra câu hỏi trên thì ý muốn của người nói là ý muốn nhất thời thay vì có kế hoạch dự định lâu dài từ trước.

5. –(으)ㄹ래요? chỉ nên dùng trong mối quan hệ gần gũi thân thiết như giữa bạn bè, gia đình với nhau hoặc người có cấp bậc, địa vị thấp hơn mình về mặt xã hội. Với người nhiều tuổi hơn hoặc là bề trên nên dùng ở dạng kính ngữ (으)실래요? Ngược lại (으)ㄹ까요? có thể sử dụng cả trong mối quan hệ cá nhân hoặc quan hệ giữa bề trên – bề dưới.

Ví dụ :

Trong lời bài hát 저녁 같이 드실래요 – 오반” có câu hát như sau :

시간도 늦었는데 저녁 같이 드실래요?

Dù đã muộn nhưng chúng mình ăn tối cùng nhau được chứ?

…..

시간도 늦었는데 술 한 잔 더 하실래요?

Dù đã muộn nhưng chúng mình làm thêm một ly được chứ?

6. (으)ㄹ까?(으)ㄹ래? là dạng 반말 (không kính ngữ – dùng cho người bằng hoặc ít tuổi, thân thiết với người nói) của (으)ㄹ까요?(으)ㄹ래요?

Ví dụ:

커피 마실까?/ 커피 먹을래?

Uống cà phê nhé?

Tuy nhiên (으)ㄹ까? còn được sử dụng để hỏi với chính mình mà không cần câu trả lời (ngôi 1) hoặc cả khi đưa ra vấn đề trong luận văn hay các bài báo (không cần câu trả lời)

Ví dụ:

나한테 그런 사람이 또 있을까? Liệu còn có người nào như vậy đến đến mình không nhỉ?

이 문제는 왜 발생했을까? Các bạn nghĩ vấn đề này tại sao lại xảy ra?

Kết luận:

Một cách dễ hiểu và ngắn gọn nhất trong mối tương quan giữa hai cấu trúc này thì (으)ㄹ래요? dùng để hỏi hoặc trả lời (dạng (으)ㄹ래요) về ý muốn của người nghe, tức hướng chủ đích về phía người nghe cũng như nhấn mạnh ý kiến của họ hơn. Tuy nhiên –(으)ㄹ까요? được sử dụng để hỏi ý kiến của người nghe về việc cả hai sẽ cùng làm (có thể kết hợp cùng 같이/함께 để nhấn mạnh hơn nghĩa của câu)

Ví dụ:

가 : 링씨가 뭐 먹을래요? Linh muốn ăn gì?

나 : 제가 돼지국밥 먹을래요. Tôi ăn cơm canh thịt lợn.

Khác với:

가: 우리 뭐 먹을까요? Chúng ta ăn gì được nhỉ?

나 : 돼지국밥 먹읍시다. Chúng ta ăn cơm canh thịt đi.

Được biên soạn, thiết kế bởi : Học Tiếng Hàn 24h

Vui lòng trích nguồn khi sử dụng

error: Content is protected !!